Ưu tiên nguồn lực, đảm bảo chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt 50-55%

HNP - Chấn vấn về nội dung xử lý nước thải sinh hoạt, đại biểu HĐND Thành phố đề nghị làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng một số khu đô thị đã đi vào hoạt động nhưng không có trạm xử lý nước thải; tiến độ triển khai Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá chậm; trong khi còn 34 dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư xây dựng…
content:

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên chất vấn

 

Nhiều khu đô thị đi vào hoạt động nhưng không có trạm xử lý nước thải

 

Mở đầu chất vấn về nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ đại biểu quận Thanh Xuân) cho rằng, hiện nay, Thành phố có 10 khu đô thị lớn đã đưa vào hoạt động, có quy hoạch trạm xử lý nước thải nhưng chưa được đầu tư hoặc đầu tư nhưng không đi vào hoạt động, trách nhiệm giám sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thế nào? Giải pháp khắc phục tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý nhưng xả thẳng ra môi trường?.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho rằng, 10 dự án này được chia làm 4 nhóm. Trong đó, 3 dự án đã có trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động; 2 dự án theo quy hoạch không có trạm xử lý nước thải, Sở kiến nghị Thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội giới thiệu địa điểm để triển khai trong thời gian tới. 2 dự án đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng chưa đưa vao hoạt động là Khu đô thị Gamuda và Khu đô thị sinh Thái Xuân Phương do chưa kết nối vào hệ thống thoát nước và vướng mắc về GPMB, Sở kiến nghị quận Hoàng Mai và quận Nam Từ Liêm đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư hoàn thành kết nối vào quý II/2023. Còn 3 dự án chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, trong đó, Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) do khu đất xây dựng trạm xử lý nước thải trùng với kênh thoát nước của Thành phố, Sở kiến nghị giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội rà soát quy hoạch, đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo UBND Thành phố trong quý I/2023. Đối với Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) chưa được cấp phép xây dựng, đề nghị giao Sở Xây dựng Hà Nội rà soát tháo gỡ để nhà đầu tư triển khai thực hiện trong quý I/2023. Đối với Khu đô thị Kim Chung Di Trạch (Hoài Đức) hiện đang xây dựng, đề nghị UBND Thành phố giao UBND huyện Hoài Đức giám sát việc xây dựng trạm xử lý nước thải.

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trả lời chất vấn tại kỳ họp

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cũng cho biết, trong năm 2023, Sở sẽ tập trung giám sát đầu tư đối với các dự án, nhất là dự án còn tồn tại, vướng mắc.

 

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, trong 3 năm qua, toàn Thành phố đã kiểm tra trên 25.000 cơ sở, trong đó, xử lý 1.782 cơ sở có vi phạm về môi trường, xử phạt trên 18 tỷ đồng. Năm 2022, qua kiểm tra, đã phát hiện 58 cơ sở xả thải vi phạm, xử phạt hơn 4 tỷ đồng. Nêu một số nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, do còn một số khu đô thị đã bàn giao, hiện không còn nguồn vốn cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, do GPMB một phần đã bàn giao cho chủ đầu tư khác nên khó xây dựng khu xử lý nước thải tập trung…. 

 

Do đó, về giải pháp, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với dự án tồn tại từ lâu, yêu cầu các chủ đầu tư đầu tư các hạng mục xử lý theo quy định. Đối với 10 khu đô thị còn vướng mắc đại biểu nêu, Sở sẽ hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc hoàn thành dự án xử lý nước thải tập trung. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện và hoàn thiện các dự án bảo vệ môi trường trước khi đi và hoạt động.

 

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn tại kỳ họp

 

Trả lời thêm về nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, theo quy định, các khu đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khu đô thị còn thiếu và phải đưa về khu xử lý nước thải tập trung của Thành phố. Trong khi đó vẫn còn một số khu vực của Thành phố cũng chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Vì vậy, Sở sẽ rà soát các dự án xử lý nước thải trên địa bàn. Sớm đưa những dự án đã hoàn thành vào quản lý, vận hành. Đối với những khu vực chưa có nhà đầu tư, Sở đã trình Thành phố kế hoạch bổ sung đầu tư các khu xử lý nước thải tập trung.

 

Tiến hành thống kê, rà soát các trạm xử lý nước thải trong khu đô thị

 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu Hoàng Mai) dẫn các quy định pháp luật, trong đó, các khu đô thị và khu dân cư tập trung phải có trạm xử lý nước thải, nhưng thực tế nhiều khu đô thị như Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân – Tứ Hiệp không có quy hoạch xử lý nước thải, trách nhiệm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đối với vấn đề này?.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu câu hỏi chất vấn

 

Liên quan đến công tác quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, từ 2014, sau khi có Luật Bảo vệ Môi trường, cơ bản các khu đô thị đều có quy hoạch bố trí các trạm xử lý nước thải cục bộ trước khi xả ra hệ thống thoát nước tập trung. Tuy nhiên, trước thời điểm năm 2014, có một số khu đô thị không có quy hoạch trạm xử lý nước thải cục bộ, mà phụ thuộc vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Thành phố. Do vậy, Sở sẽ phối hợp rà soát quy hoạch để bổ sung các trạm xử lý nước thải cục bộ đối với các khu đô thị này.

 

Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, hiện vẫn còn một số khu chức năng hỗn hợp thiếu hệ thống xử lý nước thải, do trước đây, trong quy hoạch chưa tính đến khu vực này. Hiện nay, Luật quy định phải có khu xử lý nước thải tại các khu đô thị mới, khu dân cư trước khi nhập vào hệ thống thoát nước chung của Thành phố.

 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại phiên chất vấn

 

Giải quyết vấn đề này, thời gian qua, nhiều Sở như: Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị có liên quan đã quan tâm giải quyết. Thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo tổng rà soát các nội dung về hạ tầng kỹ thuật cho thoát nước, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư; xác định danh mục các khu đô thị mới, khu dân cư, để từ đó, phân loại thành các khu vực trước và sau khi có Luật Bảo vệ môi trường; tổng hợp các khu có hay không có các quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng. Cùng với đó, phải thiết lập kế hoạch quản lý để triển khai, xử lý, kèm theo cơ chế tổ chức quản lý việc này trên nền tảng danh mục có phân loại, từ đó, có cơ chế chính sách tác động. Cuối cùng, từ thời điểm này và 2 năm gần đây, có rà soát riêng để quy hoạch chi tiết khu đô thị mới, khu nhà ở phải tuân thủ tuyệt đối trong xử lý cục bộ, xử lý nước thải trong quy hoạch thoát nước. Đồng chí cho biết, sớm nhất, hết Quý I/2023, sẽ hoàn thành việc thống kê, rà soát này.

 

Năm 2025 hoàn thành dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) nêu câu hỏi, hiện nay, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý mới đạt 28%, khi hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ tăng lên khoảng 50%, tuy nhiên, dự án này đang triển khai rất chậm, đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp. 

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Tuân về dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố Hoàng Trọng Tùng cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2013 và trải qua rất nhiều chủ đầu tư, đến ngày 14/4/2022, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố. Khi tiếp quản thì Dự án có rất nhiều khó khăn, song được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành phố, sau hơn 1 tháng, Ban đã giải ngân được hơn 500 tỷ đồng, 90% khó khăn vướng mắc cũng được tháo gỡ, tiến độ dự án đang khả quan, đảm bảo đến năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. 

 

Triển khai đầu tư 3 khu xử lý bùn thải

 

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ đại biểu quận Đống Đa) chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, việc xử lý bùn thải có nguồn gốc từ các nhà máy xử lý nước thải còn nhiều hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, do còn thiếu các điểm xử lý bùn thải tập trung, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội nêu giải pháp để khắc phục.

 

Về câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Hiện nay, Thành phố có 6 khu xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 285 nghìn m3/ngày đêm, đạt tỷ lệ 29,1%. Trong quá trình xử lý nước thải thì phát sinh bùn thải, khoảng 1.100 tấn/ngày, nhiều nhất là tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (khoảng 800 tấn/ngày). Lượng bùn thải này phải được lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo không có chất nguy hại mới đem chôn lấp và phải được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo dõi. Hiện nay, toàn bộ lượng bùn thải sau khi ép được chôn lấp tại Khu C của Cụm công trình đầu mối Yên Sở. Tuy nhiên, với công suất hiện nay, khu vực chôn lấp tại Yên Sở, đến năm 2025, sẽ hết công suất. Do vậy, việc xây dựng các khu vực xử lý bùn thải mới là rất cần thiết.

 

Theo quy hoạch, Thành phố có 3 khu vực xử lý bùn thải tại Phú Thị (Gia Lâm), Chương Dương (Thường Tín) và tại Sơn Tây. Tuy nhiên, hiện nay, mới có khu vực tại Chương Dương có nhà đầu tư là Công ty Phú Điền, với công suất 320 tấn/ngày. Sở Xây dựng Hà Nội đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư các khu xử lý bùn thải, với công nghệ sử dụng bùn thải làm nguyên liệu đốt tại các nhà máy đốt rác phát điện và nhà máy xi măng, tái chế để làm cốt liệu, vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, hạn chế thấp nhất việc chôn lấp.

 

Ưu tiên nguồn lực triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt

 

Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Đông Anh) phản ánh, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 725/QĐ-TTg xác định mục tiêu tỷ kệ dân số được phục vụ thu gom và xử lý nước thải đến năm 2030 đạt gần 90%, đồng thời, xác định rõ 41 công trình dự án cần thực hiện. Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm, Thành phố đã và đang triển khai được 7 dự án, còn 34 dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư xây dựng (chiếm tỷ lệ 82,92%). Vì vậy, nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý, gây ảnh hưởng tới môi trường, cử tri và nhân dân các địa phương rất quan tâm kiến nghị. Đề nghị UBND Thành phố cho biết thực trạng và các giải pháp thực hiện?

 

Đại biểu Đoàn Việt Cường nêu câu hỏi chất vấn

 

Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn Thành phố có 6 Nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, đang tập trung chủ yếu ở vùng đô thị phía Bắc, phía Nam sông Hồng thuộc lưu vực sông Tô Lịch và 1 phần lưu vực Tả Nhuệ; công suất theo tính toán đạt được thực tiễn 276.300m3/ngày đêm, chiếm 28,8%. Theo số liệu gần đây, đã tăng lên đạt 285.000m3/ngày/đêm, đạt 29,1%.

 

Bên cạnh đó, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (kế hoạch xong trong năm 2022) đang thi công xây dựng, tuy nhiên, bị chậm tiến độ. Khi Nhà máy này hoàn thành sẽ tăng tỷ lệ xử lý nước thải toàn Thành phố lên trên 50%.

 

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nội dung đưa chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt được 50-55%, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng đây là nội dung hạ tầng kỹ thuật quan trọng đối với Thành phố. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 5 năm trước, chúng ta chưa tập trung vào đầu tư công. Trong nhiệm kỳ này, ngay từ đầu năm, HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã tập trung phát triển các dự án xử lý nước thải, dự kiến nguồn khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Nhưng kể từ khi có Nghị quyết về đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm. Hiện, Thành phố đang giao nhiệm vụ thiết lập chủ trương đầu tư xây dựng 6 nhà máy của 5 dự án: Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, Nhà máy xử lý, thu gom khu vực S1, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Tây Sông Nhuệ, Nhà máy xử lý nước thải khu vực Long Biên và Gia Lâm.

 

Đồng thời, phát triển tiếp 3 dự án, gồm: Dự án thu gom Phú Đô của khu vực S3, Dự án xử lý nước thải An Lạc, quận Long Biên và Dự án xử lý nước thải Phúc Đồng, quận Long Biên. UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nghiên cứu lập đề xuất kêu gọi đầu tư. Như vậy, ngoài 7/41 dự án đã có, sẽ tập trung đầu tư công để triển khai phấn đấu đạt chỉ tiêu 50-55% nước thải được xử lý.

 

Phương án xử lý đối với 27 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng các cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng không có trạm xử lý nước thải, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó, có 27 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải. 

 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan trả lời tại phiên chất vấn

 

Trong 27 cụm, có 19 cụm phù hợp quy hoạch, 8 cụm không phù hợp quy hoạch. Trong 19 cụm phù hợp quy hoạch, có 13 cụm đang còn diện tích để mở rộng giai đoạn 2, 1 cụm đang thu hút nhà đầu tư triển khai và 5 cụm không còn diện tích để mở rộng. Đối với 8 cụm không phù hợp quy hoạch, hiện nay Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện để rà soát, có lộ trình chuyển đổi. 

 

Về giải pháp khắc phục, đối với 19 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, Sở đề xuất đối với 13 cụm mở rộng giai đoạn 2, chủ đầu tư phải làm trạm xử lý nước thải kết nối với giai đoạn 1. Đối với 5 cụm không còn diện tích, Sở kiến nghị Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với các Sở tiến hành đánh giá thực trạng, xây dựng trạm xử lý nước thải theo mô hình container hoặc hệ thống xử lý nước thải ngầm.

 

Trả lời chất vấn của cử tri về việc nhiều tuyến kênh mương chỉ phục vụ phát triển nông nghiệp, nhưng nay đã biến kênh mương này thành kênh thoát nước, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hiện nay, hệ thống kênh mương các huyện ven đô không còn nhiệm vụ tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu phục vụ tiêu nước cho khu dân cư. Do đó, Sở sẽ tiến hành rà soát tất cả các kênh không còn liên quan đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp để đề nghị chuyển sang Công ty thoát nước Hà Nội làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho đô thị.

 

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận phiên chất vấn

 

Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết phiên chất vấn đã có 31 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cũng như tranh luận, trong đó, 3 Phó Chủ tịch UBND Thành phố, 9 Giám đốc Sở, ban, ngành và 3 Chủ tịch UBND quận, huyện đã tham gia trả lời, báo cáo, giải trình những nội dung liên quan. Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã báo cáo, tiếp thu, giải trình và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu HĐND Thành phố.


HĐND Thành phố đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm của tập thể UBND Thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, quận, huyện trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết với HĐND Thành phố, với cử tri và Nhân dân.
 

Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được HĐND Thành phố lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp với thực tiễn; là những vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong thời gian trước mắt và dài lâu, đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ, triệt để.
 

Đồng chí yêu cầu UBND Thành phố, các cấp, các ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến rõ nét đối với những nội dung, lĩnh vực chất vấn, vấn đề đã được HĐND Thành phố nêu.
 

Các nội dung yêu cầu cụ thể sẽ được Chủ tọa kỳ họp, Thường trực HĐND Thành phố tổng hợp, trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết phiên chất vấn để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn. Đồng thời, HĐND Thành phố giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện đảm bảo Nghị quyết của HĐND Thành phố được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ và đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá mức độ tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu.
 

Đối với những câu hỏi chưa được trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn, đề nghị UBND Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trả lời đại biểu bằng văn bản với chất lượng cao nhất.

 

Vương Vân - Trọng Toàn - Lê Hải

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 560
Số lượt truy cập: 541245