Tăng trưởng kinh tế 2025: Động lực từ các quyết sách quan trọng
- content:
-
KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024: QUAN TRỌNG, ĐÁNG GHI NHẬN
Tình hình thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều yếu tố rủi ro, bất định, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo, đe dọa đến an ninh, ổn định toàn cầu và tác động đến tăng trưởng kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong 10 tháng năm 2024 là rất quan trọng, đáng ghi nhận, thể hiện rõ nét dấu ấn công tác điều hành của Chính phủ.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng ước đạt 8,0%, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng khá, ước cả năm tăng khoảng 3,4%. Khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng, cả năm ước tăng 7,0%. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Các đồng chí lãnh đạo cùng đại biểu Quốc hội thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV (sáng 21/10/2024).
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội(1), trong tháng 10, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Kết quả đạt được thể hiện sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền nhân dân các cấp.
Ngay từ đầu năm 2024, với tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường kịp thời thông qua đạo luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và một số nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia và quyết định phân bổ ngân sách cho dự án quan trọng quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, giao thông....
Công tác cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng, chưa có tiền lệ như việc đưa ba luật: đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực khi thông qua luật. Điều này là hành động cụ thể thể chế hóa tinh thần sớm đưa luật vào cuộc sống và không chỉ thể hiện tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt mà còn nhấn mạnh đến yếu tố “kịp thời“.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Với phương châm “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp góp phần quan trọng vào đạt, hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc đã giao.
Cho đến nay, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (so với năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu và điểm nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt) và cả năm nay dự kiến sẽ đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu tăng trưởng (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%).
Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Báo cáo thẩm tra kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nước ta còn đối mặt một số khó khăn, thách thức. Quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; chất lượng tăng trưởng chưa cao, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Những động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống đến từ tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) chưa được cải thiện mạnh mẽ, khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Môi trường tài chính, hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn; hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.
Một số bất cập, hạn chế tích tụ của nền kinh tế trong nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để. Thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu vẫn là những rủi ro thường trực, đặc biệt, cơn bão số 3 Yagi đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng(2) và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta.
TĂNG TRƯỞNG NĂM 2025: ĐỘNG LỰC TỪ QUYẾT SÁCH LỚN, THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC
Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm tiếp tục tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025, tao nền tảng vững chắc cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, xã hội giai đoạn tiếp theo.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao.
Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025(3) đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng và nhiều định hướng giải pháp quan trọng cho năm 2025.
Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%.
2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD).
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3 - 5,4%.
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25 - 26%.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%.
8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8 - 1%.
10. Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ.
11. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh.
12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%.
13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5 - 81,5%.
14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
So với năm 2024, các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa có tính kế thừa, tiếp tục giải pháp tốt năm trước nhưng đồng thời có những điểm mới cần nhấn mạnh, lưu ý như sau:
Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Như vậy, tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nhưng khác biệt là mục tiêu tăng tốc, bứt phá và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn là từ 6,5 - 7% và phấn đấu đạt 7.5% (so với mục tiêu từ 6 - 6,5% năm 2024); đồng thời nhấn mạnh đến giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn(4).
Thứ hai, nhấn mạnh và đề ra giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt về cải cách thể chế để tháo gỡ điểm nghẽn và triển khai cách làm mới trong cải cách thể chế đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời. Cải cách thể chế được coi là “đột phá của đột phá”. Định hướng, giải pháp cải cách thể chế được xếp lên thành nhóm nhiệm vụ số một trong Nghị quyết 158/2024/QH15, cụ thể: có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Yêu cầu về cải cách thể chế có nhiều điểm đổi mới thể hiện tính quyết liệt, đổi mới về tư duy, phương thức, cách thức xây dựng thể chế, cải cách thể chế tháo gỡ điểm nghẽn. Nghị quyết 158/2024/QH15 nêu rõ yêu cầu: đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường kỷ luật, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.
Thứ ba, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột pháp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển.
Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, tiếp tục giảm 2% thuế VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố lớn, đẩy mạnh xây dựng sân bay Long thành; đặc biệt thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo thêm động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, kết nối giao thông gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; khởi động lại việc đầu tư dự án điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng...
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội có xu hướng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng và đáng ghi nhận. Chính phủ dự kiến năm 2024 sẽ đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, là năm đặc biệt quan trọng đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng giải đoạn 2020 - 2025. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định là năm tăng tốc, bứt phá và thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá trên tinh thần đổi mới cả tư duy, cách nghĩ, cách làm và hành động, cả về tổ chức bộ máy đến nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Chúng ta đều mong muốn và kỳ vọng năm 2025 là năm đáng ghi nhớ với kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội./.
PHAN ĐỨC HIẾU
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội_______________________
(1) Báo cáo 779/BC-CP ngày 12/11/2024.
(2) Dự báo ảnh hưởng của bão Yagi có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.
(3) Nghị quyết 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
(4) Năm 2024 chuyển trọng tâm từ ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát so với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng (năm 2023) sang trọng tâm: ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng song song với giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế (năm 2024).