Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn"

VHO - Triển khai thực hiện Quyết định số 3722/QĐ-BVHTTDL, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ trấn" của nhiều nhà hát thuộc Bộ VHTTDL sẽ công diễn vào 29.12.2024 tại Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội. Mục đích hướng tới quảng bá văn hóa lịch sử dân tộc; thông qua một chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp; phục vụ đại chúng tại một địa điểm công cộng mang tính quảng trường, cụ thể là khu di tích Hoàng Thành Thăng Long
content:

 

Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn do PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL chỉ đạo thực hiện, Tổng đạo diễn. Nhóm đạo diễn phối hợp: NSND Hoàng Quỳnh Mai, NS Huỳnh Tú, Lê Phúc, Giám đốc âm nhạc: NSND Huỳnh Tú. Thể hiện lời bình: NSND Lê Chức. Biên đạo múa: Uyên Chi. Ánh sáng: NSƯT Phùng Lê Anh Minh. Thiết kế sân khấu: Nguyễn Hoàng. Biên kịch: TS. Kim Nguyên Bảo. Visual: Trần Chương

Tổ chức sản xuất: Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Bách Lê. Các đơn vị nghệ thuật thực hiện: Liên Đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát múa Rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam. Có nhiều tên tuổi nghệ sĩ, ca sĩ tham gia biểu diễn: NSND Xuân Bắc, NSND Thanh Lam, NS Quỳnh Trang, Vũ đoàn Lavender…

Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Hoàng Quỳnh Mai, đại diện nhóm đạo diễn chương trình chia sẻ: Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn là chương trình biểu diễn nghệ thuật bán thực cảnh. Đây là ý tưởng tuyệt vời của lãnh đạo Bộ VHTTDL và trực tiếp là Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã ấp ủ từ lâu. Lần đầu tiên các nhà hát sân khấu truyền thống kết hợp với các nhà hát hiện đại như: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và các nghệ sĩ cùng được đứng chung ở một sự kiện nghệ thuật trong một không gian sân khấu cực đại là quảng trường của Hoàng Thành Thăng Long.

NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, hiện nay các nhà hát đều đang dốc sức tập luyện để kịp ngày 28.12 tổng duyệt, chương trình sẽ chính thức diễn ra vào 20h00 ngày 29.12. Với kịch bản dàn dựng và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng như nhiệt huyết của lãnh đạo và nghệ sĩ các nhà hát tham gia, ê kíp sáng tạo tự tin chương trình sẽ thực sự ấn tượng và đáng nhớ. 

Thăng Long - Tứ Trấn gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, là truyền thuyết và di tích hiện hữu về bốn vật thần hộ pháp linh thiêng trấn giữ kinh thành Thăng Long: Bạch Mã, Voi Phục, Kim, Liên, Quán Thánh. Đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương; và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. 

Đây còn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa của nó trong tín ngưỡng của người Việt Nam ta, đó là nét độc đáo về tâm linh Thăng Long, là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt, là nơi ta có quyền tự hào về lịch sử cha ông ta thời xưa. Tương truyền, 4 ngôi đền này đã bảo vệ, che chở cho kinh thành Thăng Long được bình an, thịnh vượng. Mỗi ngôi đền đều lưu giữ trong mình một câu chuyện lịch sử, nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo.

“Thăng Long - Tứ Trấn là một chương trình nghệ thuật dân gian đương đại tổng hợp: thực cảnh, hoạt cảnh, trình diễn kỹ năng, sáng tác mới, tương tác, sắp đặt không gian và mỹ thuật kết hợp với các loại hình trình diễn sân khấu truyền thống như rối nước, chèo, tạp kỹ, múa dân gian và trình diễn kỹ năng nghệ nhân với sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại và đặc biệt là những công nghệ tương tác sân khấu hiện đại nhất hiện nay của nghệ thuật trình diễn như Mapping 3D, đồ họa thực tế trong không gian ảo”, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ. 

Điều đặc biệt thú vị là mỗi nhà hát tham gia chương trình cũng sẽ được phát huy thế mạnh của từng loại hình nghệ thuật và cả những nhân vật như tuồng, cải lương trong các hình tượng các ông thần, chèo với các nhân vật dân làng, kịch nói trong vai vua quan… Hoặc như các màn luyện võ với tuồng, xiếc, người dân trồng dâu, nuôi tằm với sự tham gia của nghệ thuật chèo và múa… 

Chia sẻ với Văn Hóa, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết: Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn là một sản phẩm nghệ thuật hướng đến kích cầu du lịch và công nghiệp văn hóa. Chủ trương này của Bộ VHTTDL đã tạo động lực cho các nhà hát của Bộ hướng tới việc xây dựng những sản phẩm nghệ thuật phục vụ nhu cầu của khán giả, đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế. Sự hợp sức của nhiều nhà hát quốc gia trong chương trình cũng thể hiện sức mạnh tổng hợp.

"Đây là lần đầu Liên đoàn Xiếc Việt Nam được diễn tại Hoàng Thành Thăng Long. Vì vậy, cũng là cơ hội để nghệ sĩ xiếc được dịp chứng minh sức hấp dẫn của ngôn ngữ rất đặc trưng của mình. Chúng tôi rất mong sẽ có nhiều sản phẩm nghệ thuật như thế này được tiếp tục triển khai", NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh. 

 Trước thời gian diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn,  khán giả sẽ có cơ hội trải nghiệm các workshop văn hóa và nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Các workshop này tập trung vào việc giới thiệu và hướng dẫn các nghề thủ công lâu đời của Việt Nam, trải nghiệm văn hoá ẩm thực đặc trưng và nghệ thuật truyền thống dưới dạng trình diễn cộng đồng phảng phát văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Khách sẽ được tự tay thực hiện các công đoạn thủ công dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân lành nghề, giúp họ hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và nghệ thuật của từng nghề. Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm thú vị, mà còn mang lại những món quà lưu niệm độc đáo do chính du khách tạo ra, gắn kết với lịch sử và các giá trị truyền thống.

Khu vực trải nghiệm cũng sẽ được thiết kế để tương tác trực tiếp (về ánh sánh, âm thanh…) với sân khấu chính vào buổi tối, tạo nên không gian hội tụ và kết nối.

Kết hợp các hình thức trình diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại tổng hợp sẽ tạo nên một hệ thống nhận diện đặc biệt về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa kinh kỳ nghìn năm văn hiến nói riêng. Hệ thống ấy có thể được quảng bá một cách gián tiếp bằng các hiện vật, quà tặng, quà lưu niệm, linh vật, sản phẩm nghề thủ công sau khi đi thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và được thưởng thức một chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, tinh hoa và cuốn hút.

Việc xây dựng chương trình nghệ thuật quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc giống như "Việt Nam – Huyền sử diễn caThăng Long – Tứ trấn" là việc vô cùng thiết thực, ý nghĩa, và kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển cho ngành du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế.

https://baovanhoa.vn

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 546
Số lượt truy cập: 568175