Hội CCB phường Giảng Võ làm tốt công tác vay vốn ngân hàng chính sách xã hội

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam được thành lập từ năm 2002 theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. 18 năm qua, hệ thống Ngân hàng CSXH với mô hình hoạt động hợp lý, có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn, mang lại hiệu quả lớn từ việc sử dụng vốn của người dân và sức mạnh đồng vốn vay.
content:

Đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đặt ra những yêu cầu cao hơn về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Ở phường Giảng Võ, mô hình Tổ TK&VV của Hội Cựu chiến binh (CCB) đã phát huy tốt hiệu quả sau khi có Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư, đặc biệt có bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây. Các con số “biết nói” sau là một minh chứng rõ nét: Từ năm 2014 đến 2017, tổng dư nợ của Tổ TK&VV của Hội CCB chỉ dao động trong mức từ 400 triệu đồng đến 675 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động trong các gia đình vay vốn. Đến cuối năm 2018, hai Tổ TK&VV của CCB đã gồm 56 tổ viên; số dư nợ đạt 2.470 triệu đồng (bằng 388% của năm trước). Năm 2019, đã có 83 hộ được vay vốn, giải quyết việc làm cho 84 lao động; số dư nợ là 5.020 triệu đồng (bằng 203% so với 2018). Và tính đến tháng 10 năm 2020, số hộ được vay vốn ở 2 tổ của CCB đã là 97 hộ (tăng 14 hộ), giải quyết việc làm cho 101 lao động (tăng 14 người); tổng dư nợ là 6.100 triệu đồng (tăng 1 tỷ 90 triệu đồng so với cuối năm 2019).

Những kết quả nêu trên phản ánh đầy đủ và toàn diện tính hiệu quả trên cả 3 yếu tố: sự tăng trưởng về tổng số dư nợ, phát triển số hộ được vay vốn và giải quyết việc làm cho hội viên CCB và người dân trong phường

Đạt được kết quả rất đáng khích lệ như trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trước hết, bắt nguồn từ những thay đổi trong chính sách từ phía Ngân hàng CSXH; nhất là từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW về tín dụng chính sách. Thứ hai, nhờ kết quả huy động nguồn vốn của Ngân hàng ngày càng tăng và chính sách ưu đãi đối với các hộ vay vốn nên lượng tiền trong một lần được vay của từng hộ được tăng dần lên; từ 20 triệu, 30 triệu đến 50 và đến nay nhiều lao động được vay mức tối đa là 100 triệu đồng. Và một nguyên nhân quan trọng góp phần vào thành công của mô hình về vay vốn ở cơ sở, đó là sự đổi mới trong phương pháp, phong cách làm việc của các cán bộ, nhân viên Ngân hàng khi thực hiện giao dịch tại địa phương; trong đó nổi lên vai trò của người cán bộ quản lý địa bàn, không chỉ làm tròn trách nhiệm của một cán bộ tín dụng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn mang ý nghĩa phục vụ nhân dân; đã tạo được niềm tin yêu của người dân đối với những cán bộ đại diện của Ngân hàng CSXH ở cơ sở; Như lời khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách: “Ngân hàngCSXH có nhiệm vụ nặng nề nhưng  vẻ vang vì trực tiếp đóng góp trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của nước ta”.

Nguyên nhân thành công nhìn từ phía đơn vị được thụ hưởng chính sách ưu đãi khi vay vốn của Ngân hàng CSXH đó là: xuất phát từ nhu cầu tự thân trong đời sống của các hội viên CCB cũng như nhiều người dân ở địa phương. Hầu hết các gia đình đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, muốn tổ chức kinh doanh, làm dịch vụ nhưng không có hoặc không đủ vốn đầu tư ban đầu. Nay được tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi về lãi suất cho vay đã thực sự tạo thêm động lực mới cho họ khi được giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ những người đi trước có sức lan tỏa, thuyết phục các hộ gia đình khác trong các chi hội đoàn thể, trong tổ dân phố tìm đến địa chỉ đáng tin cậy là Ngân hàng CSXH. Có được sự tăng trưởng cả về diện rộng và chiều sâu hiệu quả còn bắt nguồn từ sự quan tâm thiết thực của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể; Biểu hiện cụ thể bằng việc đặt ra yêu cầu, giao chỉ tiêu, thẩm định và xác nhận nhu cầu vay, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Tổ TK&VV.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là vai trò của Ban quản lý Tổ TK&VV; nhất là người Tổ trưởng; vừa phải nắm chắc nguyên tắc, thủ tục, quy định, có hiểu biết cần thiết trong hoạt động tín dụng, vừa phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, với sự an toàn và hiệu quả khi sử dụng vốn vay của cả tổ và từng tổ viên. Điều đó đã được chứng minh khi tổng kết công tác vay vốn năm 2019, phường Giảng Võ nhận được tới 5 giấy khen từ Giám đốc Ngân hàng CSXH tặng cho Ủy ban nhân dân phường, các tổ TK&VV và 3 cá nhân Tổ trưởng. Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ TK&VV của Hội CCB đã được Tổng Giám đốc Ngân hàng khen thưởng. Một dẫn chứng khác: Năm 2020, mặc dù các hoạt động của người kinh doanh, sản xuất, làm dịch vụ đều gặp rất nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng kéo dài do đại dịch Covid-19 nhưng tổc độ tăng trưởng cả về số việc làm, hộ vay và số dư nợ vẫn đạt cao (10 tháng đầu năm đã đạt 115% đến 120% các chỉ tiêu so với 2019).

Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn thế giới mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Nhưng mặt khác, qua thử thách gay gắt vì dịch bệnh càng làm sâu sắc thêm ý nghĩa nhân văn của chính sách tín dụng ưu đãi. Với những tổ chức nhận hợp đồng ủy thác, các Tổ TK&VV mối quan tâm hàng đầu là thực hiện chặt chẽ quy trình xét cho vay vốn, công tác quản lý, bảo toàn vốn vay, kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng quy định; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động để mở rộng đối tượng vay vốn, duy trì và mở rộng việc làm cho hội viên hội đoàn thể và người dân địa phương. Mong muốn rất chính đáng và thực tế của người được vay vốn trong thời điểm hiện nay là sự đổi mới chế độ, chính sách của Ngân hàng, có thể tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, là hoạt động thiết thực hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động.

Tín dụng chính sách sẽ tiếp tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới nhân dân trên địa bàn quận nói chung và phường Giảng Võ nói riêng đối với công tác an sinh xã hội, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững./.

                                            Nguyễn Hoàng Ân

                                          Chủ tịch Hội CCB phường

content:
content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 850
Số lượt truy cập: 541049